Lao phổi không phải là bệnh di truyền nhưng có khả năng lây lan với mức độ rất nhanh. Do chủ quan nên nhiều người bệnh đã vô tình lây bệnh cho những người xung quanh mà không biết. Vi khuẩn lao vào cơ thể qua đường hô hấp là chủ yếu, khi bệnh nhân lao phổi ho, hắt hơi sẽ phát tán các vi khuẩn ra không khí, lây lan cho người bình thường.
Trường hợp của bạn có người thân trong gia đình mắc bệnh lao phổi thì rất có nhiều khả năng bạn cũng bị lây nhiễm. Tuy nhiên nếu biết cách phòng bệnh hiệu quả thì sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Để phòng bệnh lao lây truyền, bạn cần chú ý hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Đeo khẩu trang khi thăm nom, chăm sóc người bệnh. Vệ sinh cá nhân, tay chân sạch sẽ sau khi đã tiếp xúc với người mắc lao phổi.
Giữ vệ sinh môi trường : Ở thông thoáng, khạc đờm đúng cách, thường xuyên phơi nắng: chiếu, chăn, màn…Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ và người già cần cách ly hoàn toàn với người mắc bệnh.
Khi có nghi ngờ mắc bệnh lao cần phải đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nhằm phát hiện sớm bệnh. Từ đó có biện pháp xử trí đúng, kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì mẹ bạn cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp nhằm tăng cường sức khỏe, đẩy lùi bệnh ra khỏi cơ thể.
Tăng cường chất dinh dưỡng (thịt, cá, trứng…), tăng cường hoa quả tươi và rau xanh có nhiều vitamin, đặc biệt là các hoa quả có vị chua (cam, bưởi…) giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bổ sung những vi khuẩn có lợi cho hoạt động tiêu hóa như khoai lang. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin K như gan, rau xanh. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B6 như đỗ, đậu, chuối…
Người bệnh lao phổi cần chú ý theo dõi tình trạng bệnh tại nhà và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ nhằm điều chỉnh đơn thuốc chữa bệnh phù hợp.