Hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao 24/3:
– Những năm qua, là đơn vị tuyến đầu chống lao của tỉnh, Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các tuyến y tế tổ chức khám sàng lọc, phát hiện và điều trị kịp thời nhiều bệnh nhân lao, góp phần hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng.
Ngay sau trận lũ quét lịch sử ở huyện Mù Cang Chải đầu tháng 8/2023, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phổi tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí kết hợp với khám sàng lọc bệnh lao và các bệnh về phổi cho người dân xã Hồ Bốn, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai.
Đã có gần 200 người dân địa phương được các y, bác sỹ khám lâm sàng, chụp X.quang, xét nghiệm đờm trực tiếp, đo chức năng hô hấp, tư vấn, giáo dục sức khỏe và phát thuốc miễn phí. Các trường hợp có biểu hiện bệnh lao đã được Bệnh viện Phổi lấy mẫu xét nghiệm, lập hồ sơ, bệnh án, quản lý điều trị theo quy định của Chương trình chống lao quốc gia.
Bà Giàng Thị Của, thôn Háng Đề Chu, xã Hồ Bốn chia sẻ: “Trước mưa lũ mình ho nhiều, sút cân nhưng ngại đường xa nên mình không ra Trung tâm Y tế khám. Lần này, được Bệnh viện Phổi lên tận xã, mình đã được khám, sàng lọc lao và được khẳng định không mắc lao. Mình cảm ơn các y, bác sỹ nhiều lắm!”.
Là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chính các hoạt động phòng chống lao trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Bệnh viện Phổi tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trong chương trình phòng, chống lao tại các tuyến cơ sở; thực hiện giám sát định kỳ, giám sát chuyên đề tại các đơn vị từ tuyến huyện đến xã. Tại thôn bản, các cộng tác viên y tế cũng là mạng lưới “chân rết” để quản lý tốt các đối tượng nghi ngờ lao trong cộng đồng, đưa đi khám, phát hiện đưa vào điều trị sớm để cắt nguồn lây trong cộng đồng.
Năm 2023, toàn tỉnh có gần 300 bệnh nhân lao được thu dung, quản lý điều trị; trong đó: huyện Văn Chấn 36 trường hợp, Yên Bình 24 , Văn Yên 21, Mù Cang Chải 10…
Ông T.V.L. ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cho biết: “Từ đầu năm 2023, sau 1 lần mắc cúm A, tôi bị ho nhiều, cơ thể mệt mỏi mặc dù bản thân không hề hút thuốc, không bị các bệnh nào khác, nghi bị lao nên tôi đi kiểm tra trong đợt Bệnh viện Phổi tỉnh khám tại địa phương. Kết quả, tôi đã mắc lao. Nhờ sự động viên của gia đình và các y bác sĩ, tôi đã kiên trì điều trị khỏ. Tôi ý thức được bệnh lao rất dễ lây cho những người xung quanh nên luôn đeo khẩu trang, ăn uống, vệ sinh cá nhân riêng để đảm bảo an toàn cho mọi người”.
Bên cạnh hoạt động khám sàng lọc, nâng cao năng lực xét nghiệm Gene Xpert và nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như: đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, triển khai 17 kỹ thuật mới, trong đó có gồm 9 kỹ thuật vượt tuyến…, Bệnh viện Phổi tỉnh đã nâng cao hiệu quả trong công tác khám, phát hiện điều trị cho các bệnh nhân lao và các bệnh về phổi… Năm 2023, toàn tỉnh đã có trên 20 nghìn lượt người bệnh khám và điều trị bệnh lao; trong đó: điều trị nội trú 1.000 lượt người bệnh, điều trị lao kháng thuốc 14 trường hợp…
Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh miền núi đầu tiên giảm số mắc lao hàng năm dưới 20 ca bệnh/100.000 dân, hướng tới chấm dứt bệnh lao, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường phát hiện lao chủ động tại cộng đồng bằng cả nguồn lực của Chương trình chống lao quốc gia và nguồn lực của địa phương; phối hợp tốt với y tế cơ sở đẩy mạnh việc phát hiện, điều trị lao tiềm ẩn trong cộng đồng với các đối tượng nguy cơ. Tỉnh cũng đưa máy Gene Xpert Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ vào hoạt động để điều trị cho bệnh nhân tại 4 huyện, thị phía Tây của tỉnh; quản lý điều trị chặt chẽ, đúng phác đồ ở tất cả các tuyến đảm bảo ít nhất trên 90% khỏi bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong do lao, phấn đấu không để tiến triển thành lao kháng thuốc, lao tái phát.
Bác sĩ Chuyên khoa II Bạch Xuân Thủy – Giám đốc Bênh viện Phổi tỉnh cho biết: “Yên Bái sẽ tham gia Chương trình thử nghiệm vacxine lao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi có hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia; tích cực sàng lọc đầu vào phát hiện sớm, sàng lọc định kỳ, quản lý điều trị lao triệt để tại Trại giam Hồng Ca; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục chỉ đạo tiêm chủng phòng lao cho 100% trẻ em trong độ tuổi…”.
Để hoạt động phòng, chống lao tại cộng đồng phát huy hiệu quả tích cực, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, điều quan trọng nhất là cần nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức của người dân về bệnh lao để bản thân chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống cho mình và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần sự tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động phòng, chống bệnh lao tiến tới thanh toán bệnh lao trên địa bàn.
Ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3/2024 với chủ đề “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao” để nhấn mạnh đến vai trò của các cấp, các ban ngành, của Chính phủ, các đối tác, xã hội dân sự, cộng đồng và các cá nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, cần cấp bách thực hiện những hành động nhằm chấm dứt sự chịu đựng nỗi đau bệnh tật không đáng có và các ca tử vong do bệnh lao gây ra. |